Bác NguyenDinhDang ai mê vẽ sơn dầu thì đọc nhé phần 2

Thông tin sản phẩm

Tên sản phẩm Bác NguyenDinhDang ai mê vẽ sơn dầu thì đọc nhé phần 2

Mã sản phẩm
Giá 0
Xưởng tranh
Hotline 0977194619
Chia sẻ:

 

Dầu thông bắt đầu được dùng trong hội họa làm dung môi làm loãng sơn dầu chỉ từ khoảng đầu t.k. XIX sau khi người Pháp tìm ra cách chưng cất dầu thông từ nhựa thông vào cuối t.k. XVIII [15]. Dầu thông bay hơi nhanh, khả năng hòa tan mạnh, và là dung môi có thể hòa tan được nhựa dammar. Vì thế ngày nay dầu thông đã trở thành dung môi không thể thiếu để vẽ sơn dầu. Tuy vậy, dầu thông là chất khá độc hại vì hơi dầu thông có thể làm da và mắt sưng tấy, có thể thẩm thấu qua da, làm hại hệ thống hô hấp và thần kinh trung ương nếu hít quá nhiều, và gây suy thận nếu chẳng may nuốt phải.

ii) Dầu oải hương (spike lavender oil, essence d’aspic) chủ yếu có hai loại. Loại thứ nhất được tinh cất từ lavandula angustifoliatức oải hương lá hẹp, còn có tên oải hương Anh (English lavender) hay oải hương thật (true lavender) – một loài hoa màu tím nhạt mọc tại vùng Địa Trung Hải, đặc biệt ở vùng núi Pyrénées và vùng núi bắc Tâu Ban Nha, có mùi thơm ngọt dịu, được dùng để chế tạo hương phẩm, xà phòng, và trong y học.

800px-Lavandula_latifolia_EnfoqueEspiga_2010-6-25_DehesaBoyaldePuertollano

Hoa lavandula latifolia (spike lavender, oải hương lá rộng)

Loại thứ hai được tinh cất từ lavandula latifolia tức spike lavender (oải hương lá rộng), còn có tên oải hương Bồ Đào Nha (Portuguese lavender), mọc nhiều tại Bồ Đào Nha, miền nam nước Pháp và miền bắc nước Ý, có mùi thơm mạnh, chứa nhiều long não, và hơi hăng.

Dầu oải hương lá rộng (spike lavender oil) chứa nhiều monoterpenes (khoảng 50%) hơn dầu oải hương lá hẹp (khoảng 29%). Vì thế, tuy là tinh dầu, dầu oải hương lá rộng có tác dụng như dung môi làm loãng màu sơn dầu. Thực tế, trước t.k. XIX, dầu oải hương lá rộng (spike lavender oil) là chất phổ biến được các hoạ sĩ dùng để làm loãng sơn.

Dầu oải hương không độc hại và có mùi thơm ngát dễ chịu. Thêm dầu oải hương vào dung dịch pha mầu còn làm tăng độ kết dính của các lớp sơn. Khả năng làm loãng sơn của dầu oải hương khá mạnh, vì thế chỉ nên dùng rất ít trong medium, đặc biệt khi vẽ láng, bởi nếu không nó có thể làm nhòe lớp sơn mới khô bên dưới. Dầu oải hương còn hòa tan được tất cả các nhựa cây: dammar, mastic, rosin, copal và cả một phần hổ phách (khoảng 30% trọng lượng, nếu được đun nóng nhiều lần). Nhược điểm của dầu oải hương là bay hơi chậm hơn dầu thông và có thể bị hỏng khi tiếp xúc lâu với không khí. Ngoài ra, giá thành của dầu oải hương khá cao, gấp 4 – 5 lần giá dầu thông. Vì thế sau khi dầu thông được chưng cất và sản xuất đại chà, từ t.k. XIX các hoạ sĩ đã chuyển sang dùng dầu thông rẻ tiền và khô nhanh hơn (tuy là chất độc hại).

lavender

Từ trái: Dầu oải hương của hãng Lefranc & Bourgeois, 75ml, giá 19.6 USD;
dầu oải hương của hãng Holbein, 55 ml, giá 1140 yen;
dầu thông của hãng Holbein, 55 ml, giá 258 yen.

iii) Xăng trắng (white spirit), còn được gọi là dầu thông vô cơ (mineral turpentine), thuộc loại dung môi từ dầu mỏ, tức phần hợp chất lỏng có thể cháy (hydrocarbons), thu được qua tinh chế dầu mỏ. Những chất lỏng loại này được gọi chung là naphtha. Xăng trắng là chất dùng để tẩy sơn, rửa bút lông và palette. Xăng trắng còn được gọi là dung môi Stoddard – tên nhà hóa học chế tạo ra chất này lần đầu tiên vào năm 1928 bằng cách chưng cất phân đoạn dầu thô thành dầu tây (kerosene) và naphtha. Sau đó người ta dùng phản ứng hóa học để loại lưu huỳnh ra khỏi dầu tây và naphtha, rồi tiếp tục chưng cất phân đoạn tại các nhiệt độ sôi khác nha. Kết quả thu được vài loại white spirit có nhiệt độ bốc cháy, nhiệt độ sôi, và tỉ lệ hydrocarbons thơm (aromatic hydrocarbons) khác nhau. Vì thế các loại white spirit này có mùi và hiệu quả tác dụng khác nhau. Mùi càng mạnh thì khả năng tẩy rửa càng cao. Xăng trắng bay hơi chậm hơn và ít độc hại hơn dầu thông.

iv) Xăng trắng không mùi (odorless mineral spirit, viết tắt OMS) là xăng trắng không chứa hydrocarbons thơm, bay hơi chậm, hầu như không có mùi, vì thế một số website ở Mỹ khuyến cáo các hoạ sĩ có thể dùng OMS để làm dung môi. Tuy nhiên xăng trắng và OMS khác dầu thông ở mấy điểm cơ bản sau đây. Lượng hydrocarbon thơm, như xylene và toluene, trong dung môi càng nhiều thì khả năng hoà tan của dung môi càng mạnh. Xăng trắng có rất ít xylene và toluene, còn OMS hầu như hoàn toàn không có, vì thế không có mùi. Kết quả là khả năng hoà tan của xăng trắng thấp hơn của dầu thông, còn cùa OMS là yếu nhất. Xăng trắng không hòa tan được nhựa dammar còn OMS không dùng để tẩy varnish được. Dùng OMS để vẽ khiến sơn tan như nước, chứ không sánh như khi dùng dầu thông.

v) Dầu mỏ tinh chế (petroleum hay petroleum spirit, pétrole) cũng là một sản phẩm thu được từ chưng cất dầu mỏ, nhưng có nhiệt độ sôi thấp hơn dầu tây (tức dưới 150°C), bay hơi chậm.

Nếu mùi dầu thông (hoặc dung môi từ sản phẩm dầu mỏ) khiến bạn khó chịu, bạn có thể nhỏ một giọt dầu oải hương vào dung dịch để át mùi dầu thông. Mùi dầu oải hương dĩ nhiên là dễ chịu hơn mùi dầu thông nhiều. Còn nếu vì lý do nào đó mà bạn không dùng được cả dầu thông, xăng trắng, OMS, dầu mỏ tinh chế và dầu oải hương, bạn có thể dùng sơn dầu nước (Water-mixable oil color). Đây là loại sơn dầu mà cấu trúc phân tử của dầu tạo màng (lanh, rum, v.v.) đã bị biến đổi để có thể hòa được với nước. Tuy nhiên loại sơn dầu này chỉ thích hợp cho những nghệ nhân hoặc các hoạ sĩ sơn dầu nghiệp dư bởi thiếu nhiều tính chất của sơn dầu truyền thống. Khi vẽ loãng (hòa nhiều nước) thì sơn dầu nước giống màu nước (watercolor), có độ dính bề mặt kém. Khi vẽ đặc thì sơn này có thể quánh như có keo. Còn khi pha nước vừa phải thì sơn dầu nước không bóng được như sơn dầu truyền thống, mà có bề mặt mờ, gần với màu bột (gouache) hơn. Kỹ thuật sử dụng sơn dầu nước vì thế cũng khác nhiều so với sơn dầu truyền thống. Một số hãng hoạ phẩm có sản xuất loại sơn dầu nước này (Xem trong [16]).

4) Nguyên tắc “béo trên gầy”

Các lớp màu dày và đục có rất ít sắc thái. Màu pha trộn trên palette bao giờ cũng mất độ tinh khiết, và bị bẩn nếu pha trộn nhiều hoặc pha các màu bù nhau với tỉ lệ như nhau. Trong khi đó các lớp màu trong có rất nhiều sắc thái, tùy thuộc độ dày và cường độ ánh sáng chiếu vào.

Kỹ thuật vẽ sơn dầu nhiều lớp bằng cách chồng các lớp màu lên nhau là kỹ thuật dựa trên hòa sắc quang học của màu sắc. Kỹ thuật này đã được các bậc thầy hội họa kể từ thời Phục Hưng và Baroque xây dựng và phát triển và đã được thử thách qua hàng thế kỷ. Đây là phương pháp vẽ sơn dầu hoàn thiện nhất trong lịch sử hội họa. Nó cho phép đạt được sự phong phú cao nhất của các sắc thái trong hòa sắc của màu sơn dầu, tránh được phản ứng phụ khi các màu được pha trộn trên palette.

Việc chia công đoạn kỹ thuật thành các lớp imprimatura, lớp vẽ lót đơn sắc, lớp vẽ màu rồi lớp láng khiến việc thể hiện, mô phỏng hiện thực, và tạo ảo giác với hiệu quả nghệ thuật cao trở nên dễ dàng hơn khi vẽ một bức tranh. Kỹ thuật vẽ nhiều lớp cũng giúp tác phẩm trường tồn nhiều thế kỷ. “Béo trên gầy” là nguyên tắc cơ bản để tránh nứt khi vẽ sơn dầu theo kỹ thuật nhiều lớp. Mỗi lớp lại có thể gồm vài lượt sơn chồng lên nhau.

Nguyên tắc béo trên gầy có nghĩa là lượt màu bên trên phải nhiều dầu tạo màng hơn lượt bên dưới, tức lượt bên trên “béo” hơn lượt bên dưới (hay lượt bên dưới “gầy” hơn lượt bên trên). Lý do là vì:

1 – Như đã nói ở trên sơn dầu khô nhờ hấp thụ oxy nên cứng lại. Vì mặt bức tranh hấp thụ oxy từ trên xuống, nên lớp trên cùng của bức tranh sẽ khô trước (sau khoảng 1 – 2 tuần tùy theo ánh sáng, nhiệt độ và độ ẩm), cản trở oxy chui xuống lớp giữa, khiến lớp giữa chỉ khô sau khoảng 1 tháng. Lớp dưới cùng khô còn lâu hơn, từ 6 tháng tới 1 năm. Vì thế những bức tranh được vẽ nhiều lớp với độ dày khác nhau vẫn tiếp tục khô trong vòng 1 thế kỷ.  Nguyên tắc béo trên gầy giúp đảo ngược quá trình trên, khiến các lớp sơn khô đồng đều từ dưới lên trên, hay từ trong ra ngoài.

2- Lượt đầu tiên chứa rất ít dầu tạo màng, và chứa chủ yếu là dung môi. Lượt này khô thành màng film hở (hay rỗ). Dầu tạo màng từ các lượt trên sẽ chui qua các lỗ này, tạo ra các liên kết cơ học, tăng độ kết dính.

leantofat

Quá trình các lớp sơn dầu trên mặt tranh kết hợp với oxy
(Minh họa từ “Guide de la peinture à l’huile” của Lefranc & Bourgeois)

3 – Sự thay đổi nhiệt độ, độ ẩm và dịch chuyển cơ học tác động lên canvas khiến canvas biến dạng (co giãn). Nguyên tắc béo trên gầy giúp giảm thiểu tác hại của các co giãn này. Càng chứa nhiều dầu tạo màng, màng film càng đàn hồi. Nếu lượt trên ít dầu, nó sẽ kém đàn hồi hơn lượt dưới là lượt gần hoặc tiếp xúc với nền. Khi nền biến dạng, các lượt phía dưới co giãn, kéo các lượt trên nứt vỡ vì các lượt trên kém đàn hồi hơn so với lượt dưới. Béo trên gầy ở đây có nghĩa là lượt trên phải đàn hồi hơn lượt dưới.

4 – Nếu lượt trên ít dầu tạp màng hơn lượt dưới, lượt trên sẽ cứng nhanh hơn lượt dưới. Vì thế khi lượt trên đã khô mà lượt dưới vẫn tiếp tục khô, nó sẽ kéo lượt trên nứt. Kể cả khi lượt trên và lượt dưới chứa cùng một loại dầu tạo màng có cùng một tỉ lệ, lượt dưới vẫn khô chậm hơn vì bị lượt trên cản tiếp xúc với không khí. Béo trên gầy tránh cho lượt trên khô nhanh hơn lượt dưới. Từ nguyên tắc béo trên gầy ta hiểu tại sao chỉ được vẽ lượt trên lên lượt dưới đã “khô” không còn dính tay. Mặt khác chỉ nên vẽ các lớp mỏng, bởi lớp dày vừa khô chậm hơn vừa khô không đồng đều nên dễ nứt.

grassurmaigre

Sơ đồ nguyên tắc “béo trên gầy”
(Minh họa từ “Guide de la peinture à l’huile” của Lefranc & Bourgeois)

Dung dịch để pha màu sơn dầu thường gồm dầu tạo màng, nhựa và dung môi. Dầu tạo màng làm sơn béo hơn, dung môi làm sơn gầy hơn, còn nhựa tăng độ bền, độ kết dính của các lượt sơn và giúp màng film khô đều. Cách đơn giản nhất để làm các lượt trên béo dần là giảm dần tỉ lệ dung môi trong các lượt trên.

Công thức phổ thông cho dung dịch pha màu, được phổ biến trong nhiều sách dạy kỹ thuật vẽ sơn dầu, gổm 3 thành phần dầu lanh : nhựa dammar : dầu thông, với tỉ lệ khác nhau. Ví dụ Raph Mayer [17] cung cấp công thức gồm dầu đọng : dammar varnish : turpentine theo tỉ lệ 30 ml : 30 ml : 150 ml và 15 giọt cobalt siccative. Người Nga gọi công thức 3 thành phần này là “chạc ba” (тройник)[18].

Số lượt sơn cũng như công thức pha dung dịch là tùy theo kỹ thuật và phong cách của từng hoạ sĩ. Khi đã có hiểu biết và kinh nghiệm về tính chất của từng loại dầu tạo màng, nhựa và dung môi, mỗi hoạ sĩ có thể tự tìm cho mình các công thức phù hợp hoặc điều chỉnh các công thức đã có cho hợp với mình. Theo Xavier de Langlais [19], Jan Van Eyck từng dùng dung dịch pha màu gồm dầu lanh đặc, dầu lanh sống, nhựa copal hoặc hổ phách, Venice turpentine và dầu oải hương. Đó là thứ dung dịch thần diệu đã tạo nên lớp men lộng lẫy và độ bão hòa màu sắc rất cao trong các kiệt tác thời Phục Hưng và Baroque, đồng thời giúp các kiệt tác này trường tồn hàng thế kỷ. Nghiên cứu của London National Gallery cũng cho thấy dung dịch chứa dầu lanh đặc (bằng phơi nắng hoặc đun) và nhựa thông được dùng khá phổ biến trong tranh của các hoạ sĩ Hà Lan và Đức t.k. XV như Jan Van Eyck, Hieronymus Bosch, Stephan Lochner [20], cũng như trong tranh của danh hoạ thời Baroque Johannes Vermeer.

Dưới đây là 3 dung dịch pha màu mà tôi từng dùng.

4.1)    Dung dịch chứa dammar varnish:

Vẽ lót

1 phần dầu lanh

1 phần dammar varnish

5 phần dầu thông (spirit of turpentine)

sau đó giảm dần turpentine xuống 4, 3, 2, 1 phần khi vẽ dần lên các lượt trên. Nhược điểm lớn của dammar varnish là rất lâu khô nếu môi trường có độ ẩm cao (trên 60 – 70%), nếu bị dính nước, hoặc nếu dammar varnish cũ (trên 1 – 2 năm, không còn trong nữa). Khi đó dùng dung dịch chứa dammar có thể mất tới nửa tháng mà sờ bề mặt tranh vẫn thấy còn dính ngón tay. Dung dịch (1) cũng khiến đôi khi vẽ bị rít nếu nhiều turpentine hoặc bị lầy nếu ít turpentine. Ngoài ra, vì dammar chỉ hoà được trong dầu thông nên khi dầu thông bay hơi hết, mặt tranh có thể có hiện tượng hút không đều, chỗ mờ chỗ bóng, phải giải quyết bằng xoa retouching varnish lên (chiêu này có tên là oiling out) trước khi phủ dầu bảo vệ. Retouching varnish (vec-ni sửa tranh) là loại varnish dùng để xoa lên mặt tranh đang vẽ dở, nhưng đã khô, để mặt sơn bóng lại, kết dính tốt với lớp sơn mới. Retouching varnish cũng được dùng để làm varnish bảo vệ tạm thời khi tranh chưa khô đủ 6 tháng trở lên.

4.2)    Dung dịch chứa Venice turpentine:

Vẽ lót

1 phần dầu lanh đặc

1 phần Venice turpentine

5 phần dầu thông (spirit of turpentine)

sau đó giảm dần dầu thông xuống 4, 3, 2, 1 phần khi vẽ dần lên các lượt trên. Thay dầu lanh (đặc) bằng dầu đọng khi vẽ các lượt trên cùng, và các màu sáng. Dung dịch này không có các nhược điểm của dung dịch chứa dammar. Dầu lanh đặc khiến sơn khô nhanh, còn Venice turpentine giúp trơn bút khi vẽ. Toàn bộ mặt tranh bóng đều và trông “dày” như tráng men chứ không “mỏng” như giấy bóng kính khi dùng medium chứa dammar.

4.3)   Dung dịch kết hợp:

Vẽ lót:

1 phần dầu lanh đặc

1 phần Venice turpentine

5 phần dầu thông (spirit of turpentine)

___

Vẽ lớp giữa:

1 phần dầu lanh đặc

1 phần Venice turpentine

4 phần dầu thông

 (Thêm tới 1 phần medium à peindre J.G. Vibert nếu đặc)

___

Vẽ lớp trên:

1 phần dầu lanh

1 phần dầu đọng

1 phần Venice turpentine

4 phần dầu thông

1 phần dầu oải hương

(Thêm tới 1 phần medium à peindre J.G. Vibert nếu đặc)

___

Vẽ láng:

9 phần Dammar varnish

9 phần dầu thông

4 phần dầu đọng

2 phần Venice turpentine

Các hãng hoạ phẩm như Royal Talens, Lefranc & Bourgeois, Winsor & Newton, v.v. cũng bán dung dịch vẽ láng (glazing medium)  dùng nhựa tổng hợp, khô nhanh và không ngả vàng theo thời gian như dung dịch cổ truyền.

Chú ý:

1 – Vì dầu lanh đặc, dầu đọng và Venice turpentine thường đặc quánh ở nhiệt độ trong phòng, nên trước khi pha dung dịch, nên ngâm lọ dầu khoảng 1 – 2 phút vào bát nước sôi để dầu lỏng ra. Dùng ống đếm giọt đong dầu và Venice turpentine vào cốc đựng dầu (palette cup, godet à palette), sau đó dùng dao vẽ quấy kỹ cho chúng hòa đều với nhau, rồi mới thêm dầu thông vào, và lại quấy kỹ một lần nữa cho đến khi được một dung dịch đồng nhất.

2 – Các công thức dung dịch cần được áp dụng linh hoạt tùy thuộc vào điều kiện môi trường xung quanh như nhiệt độ, độ ẩm, số lớp sơn, kỹ thuật của vệt bút, v.v.

*

Sinh thời Salvador Dalí từng tuyên bố sẵn sàng cho cắt cả hai tai của mình, miễn là được biết công thức chính xác của hợp chất tạo nên dung dịch quý giá mà Johannes Vermeer đã dùng để vẽ [21]. Không biết tới khi nào người ta mới tìm ra medium của Vermeer, nhưng có một điều đến nay đã rõ. Đó là các bậc thầy của hội hoạ Flamand, Gothic và Phục Hưng không vẽ bằng sơn dầu (oil paint) mà bằng sơn nhựa dầu (oil-resin paint). Họ không dùng thứ màu mà nhiều hoạ sĩ ngày nay chỉ đơn thuần bóp từ tube ra, rồi được làm dẻo bằng một chút dầu lanh và làm loãng bằng đầu thông. Họ tự nghiền sắc tố với dầu tạo màng và vẽ bằng dung dịch gồm dầu lanh đặc pha nhựa cây như mastic, hổ phách, copal, Venetian turpentine. Họ cũng không dùng dầu thông mà dùng dầu oải hương để làm loãng sơn và họ vẽ bằng kỹ thuật nhiều lớp. Chưa nói đến tài năng, chỉ riêng những yếu tố này cũng đã khiến chất lượng các tác phẩm của họ khác xa chất lượng tranh sơn dầu của đại đa số các hoạ sĩ ngày nay.

22/7/2013


[1] Phẩm nhuộm (dye) khác bột mầu (pigment) ở chỗ phẩm nhuộm hòa tan trong dung môi và có khả năng thẩm thấu cao. Lake là phẩm nhuộm được hãm bằng chất vô cơ không màu, như muối kim loại, thành các hạt bột màu không bị hoà tan.

[2] Nên đặc biệt thận trọng khi đọc các thông tin về kỹ thuật hội họa sơn dầu và họa phẩm trên Wikipedia vì nhiều thông tin sai. Ngoài ra, tuy cuốn “Cẩm nang về chất liệu và kỹ thuật cho hoạ sĩ” của Ralph Mayer, xuất bản năm 1940, được tái bản tới 5 lần: 1951, 1964, 1973, 1982, 1991, nhưng những tái bản sau khi Meyer qua đời (1979) không được phép sửa một chữ. Sau 40 năm, nhiều thông tin trong ngành sản xuất hoạ phẩm đã thay đổi so với những gì được viết trong cẩm nang của Meyer.

[3] Tôi có điểm sơ lược về đề tài này tại trang 24 – 26 trong “Sơ lược về kỹ thuật vẽ sơn dầu“ (2009).

[4] Một trong các cách giữ màu sơn dầu còn thừa trên palette để 1 – 2 hôm sau vẽ tiếp là dùng dao vẽ gạt màu, phết lên một miếng giấy thiếc rổi gấp ép chặt lại cho thật kín. Miếng giấy thiếc đóng vai trò gần như tube màu, cách li màu tiếp xúc với không khí. Nếu muốn để lâu hơn thì cần bảo quản gói giấy thiếc ở nơi có nhiệt độ thấp, ví dụ như trong tủ lạnh.

[5] Juita et al. Fire Science Reviews, 1 (2012) 1:3

[6] Một số tranh của Van Gogh bị nứt vì Van Gogh lạm dụng chất làm khô có chứa chì và dùng blanc fixe (PW22, màu trắng rẻ tiền) (Xem A. Daish, The fading, changing paintings of Vincent Van Gogh; Claus Habfast , X-rays unravel mysterious degradation of a Van Gogh painting: Supposedly protective varnish caused discolouration — possible implications for other paintings? European Synchotron Radiation Facility, 4.09.2012.)

[7] R. White and J. Kirby, A survey of XIX and early XX century varnish compositions found on a selection of paintings in the National Gallery collection, National Gallery Technical Bulletin, Vol. 22, 2001.

[8] Tinh dầu oải hương cũng làm tan dammar song giá thành quá cao để có thể được dùng như dung môi tẩy sơn và tẩy  varnish.

[9] Copal lâu đời nhất thế giới được tìm thấy ở thành phố Mizunami, tỉnh Gifu, Nhật Bản có tuổi 33 ngàn năm.

[10] M.V. Russo and P. Avino, Characterization and Identification of Natural Terpenic Resins employed in “Madonna con Bambino e Angeli” by Antonello da Messina using Gas Chromatography–Mass Spectrometry, Chemistry Central Journal, 2012, 6:59.

[11] J. Kirby, The Painter’s Trade in the Seventeenth Century: Theory and Practice, National Gallery Technical Bulletin Volume 20, 1999: Painting in Antwerp and London: Rubens and Van Dyck.

[12] Ta thường gọi là cô-lô-phan (colophane) – nhựa thông mà những người chơi đàn dây như violin hay cello thường dùng xoa archet để tăng ma sát khi chơi.

[13] Gum naval stores: Turpentine and rosin from pine resin, Non-wood forest products 2, J.J.W. Coppen and G.A. Hone, Natural resources institute, FAO, 1995.

[14] R. Bauer et al. Use larch wood material for treating inflammation, Patent WO2009079680 A1, 2009.

[15] Các nhà giả kim thuật t.k. XIV đã biết chế ra dầu thông (mà trong các bản thảo cổ bằng tiếng Latin được viết là terebintina) bằng thăng hoa để được thứ dầu “trong như nước nguồn và bốc cháy như lửa”. Song, cho tới giờ người ta chưa tìm được tài liệu hay bằng chứng nào cho thấy dầu thông được dùng trong hội hoạ vào t.k. XIV – XV.

[16] Nguyễn Đình Đăng, Dùng sơn dầu nhãn hiệu nào?

[17] Ralph Mayer, The Painter’s Craft. An Introduction to Artist’s Methods and Materials, revised and updated by Steven Sheehan, Director of the Ralph Mayer Center, Yale University School of Art (New York: Penguin Group, 1948, 1991).

[18] А.М. Лентовский, Технология живописных материалов, 1949.

[19] Xavier Langlais, La Technique de la peinture à l’huile (Flammarion, 1959).

[20] National Gallery Technical Bulletin, Vol. 18, 1997 (National Gallery Publications, London), series editor: A. Roy.

[21] Salvador Dalí: “Đã đến lúc gọi bánh mì là bánh mì và rượu vang là rượu vang.”  Nguyễn Đình Đăng trích dịch từ chương I cuốn “50 bí mật của tay nghề ma thuật” của Salvador Dalí.

______________

© Nguyễn Đình Đăng, 2013 – Tác giả giữ bản quyền. Bài chuyên khảo này được viết với mục đích phổ biến kiến thức và kinh nghiệm. Bạn đọc có thể lưu giữ để sử dụng cho cá nhân mình. Mọi hình thức sử dụng khác như in ấn, sao chép lại bài viết này, dù là một phần hay toàn bộ, để phát hành trong các ấn phẩm như sách, báo chí, luận văn, hay nhằm mục đích thương mại (kể cả tại các trang thư viện điện tử trên internet mà để đọc được hay tải xuống người đọc phải trả tiền để mở tài khoản) v.v. đều vi phạm bản quyền nếu không nhận được sự đồng ý bằng văn bản của tác giả.

Thông Tin Liên Hệ

Zalo: 0977194619