Nguyễn Đình Đăng
Chất kết dính là chất dùng để nghiền chất màu, dưới dạng các hạt bột màu (pigment) hay các hạt phẩm nhuộm (lake) [1], liên kết chúng với nhau, tạo nên màu vẽ, có khả năng bám chặt vào vật liệu đỡ như canvas, kim loại, gỗ, giấy, v.v. Dung môi là chất dùng để pha loãng màu vẽ cũng như để tẩy rửa sơn màu dính ở bút lông và palette sau khi vẽ. Tính chất các loại màu vẽ và kỹ thuật sử dụng chúng khác nhau chủ yếu là do chất kết dính.
Màu nước (watercolor hay aquarelle) và màu bột (gouache) dùng chất kết dính là gôm arabic (gum arabic) tức nhựa cây keo (acacia). Màu bột khác màu nước ở chỗ màu bột là màu đục (opaque) còn màu nước là màu trong (transparent). Trong màu bột chất phụ gia (như tinh bột, phấn, blanc fixe tức barium sulphate) thường được trộn vào để làm màu thành đục. Kỹ thuật này được gọi là guazzo (tiếng Ý) từ đó mà thành tên gouache (tiếng Pháp). Một kỹ thuật khác được gọi là màu đặc (body color) hay màu keo (distemper, tempera), trộn bột màu với chất kết dính như keo casein hoặc keo động vật (gelatin) mà không thêm phụ gia. Ngày nay gouache của một số hãng hoạ phẩm như Winsor & Newton, Holbein, Schmincke và M. Graham đục nhờ mật độ bột màu rất cao do được nghiền mịn, mà không cần thêm phụ gia. Acryl gouache là màu bột dùng nhựa acrylic làm chất kết dính thay vì gôm arabic.
Màu tempera hay tempera trứng (egg tempera) dùng lòng (đỏ) trứng gà làm chất kết dính. Màu vẽ bích hoạ truyền thống (fresco) là bột màu hòa với nước, không cần chất kết dính, vì được vẽ lên lớp vữa vôi ướt, sau khi khô cứng lại giữ các hạt bột màu thấm bên trong, trường tồn hàng thế kỷ. Chất kết dính của màu acrylic là nhựa acrylic. Các màu nước, gouache, tempera, màu vẽ fresco, acrylic đều dùng nước làm dung môi, vì thế có tên là các màu gốc nước (water-based colors (paints)). Màu encaustic dùng các loại sáp làm chất kết dính và nhiệt để làm loãng màu.
Đối với màu sơn dầu truyển thống (oil paint), chất kết dính là các loại dầu khô (drying oil) và nhựa (resin), còn dung môi là dầu thông, tinh dầu oải hương và các sản phẩm của chưng cất dầu mỏ.
Thông tin về chất kết dính, nhựa cây và dung môi có rất nhiều trên internet nhưng cũng không ít thông tin mâu thuẫn, mang định kiến, sai lạc, trong khi có những thông tin được chép từ các sách cũ từ 1949 về trước, nay đã lạc hậu [2]. Hoạ phẩm ngày nay được chế tạo bằng công nghệ hiện đại nên tính chất có những điểm khác các hoạ phẩm thời xưa. Thêm vào đó, có những chất liệu mới, được phát hiện và sản xuất từ nửa cuối t.k XX. Chuyên khảo này cung cấp một số kiến thức cơ bản và thông tin về các loại dầu khô, nhựa và dung môi hiện nay mà các hoạ sĩ vẽ sơn dầu cần biết [3].
1) Dầu khô
Dầu khô (hay dầu tạo màng) có khả năng tạo thành màng (film) trong, có thể được kéo thành bề mặt rộng, khi khô trở nên dai và bền, giữ các hạt bột màu lơ lửng bên trong, gây hiệu quả quang học rất đẹp. Chính nhờ dầu tạo màng, đặc biệt là dầu lanh, mà màu sơn dầu đã trở thành chất liệu có kỹ thuật sử dụng và hiệu quả thể hiện phong phú hơn hẳn các chất liệu khác.
Dầu lanh có chiết xuất n ≈ 1.475 (tức khả năng khúc xạ ánh sáng, được đo bằng tỉ số n = c/v giữa vận tốc ánh sáng trong chân không, c, và trong môi trường của chất, v), cao hơn tất cả các chất kết dính tan trong dung môi nước, gần với chiết xuất của chất màu hơn. Dùng dầu lanh làm chất kết dính có thể tạo ra màu từ rất đục tới rất trong, tùy theo lượng dầu lanh cũng như kích thước các hạt bột màu. Dầu tạo màng không hoà được trong nước, mà chỉ loãng ra trong cácdung môi như dầu thông, các sản phẩm của chưng cất dầu mỏ (ví dụ xăng trắng), và tinh dầu oải hương.
Dầu thực vật chứa một lượng lớn glycerides, tức các chất được tạo ra khi glycerin liên kết với các acid béo. Acid béo được phân loại thành acid béo bão hòa và không bão hòa. Acid béo bão hòa gồm stearic acid, có nhiều trong mỡ động vật, và palmitic acid, có nhiều trong dầu cây cọ. Acid béo không bão hòa gồm oleic, linoleic, và linolenic acids. Ở nhiệt độ trong phòng acid béo bão hòa vón thành chất rắn, còn acid béo không bão hòa là chất lỏng. Dầu thực vật được phân loại thành dầu khô (drying oil) hay dầu tạo màng, bán khô (semi-drying oil), và không khô (non-drying oil).
Dầu tạo màng khô được thông qua quá trình oxy hóa tự động (autoxidation) khi tiếp xúc với oxy trong không khí. Trong quá trình này các chuỗi acid béo hấp thụ oxy và liên kết ngang (cross-link) với nhau, tạo thành một mạng cao phân tử (polymer) đàn hồi, dai, và cứng dần khi số liên các ngang tăng dần theo thời gian. Tính chất của dầu tạo màng phụ thuộc vào hàm lượng acid béo không bão hòa vì các acid loại này chứa các liên kết đôi (double bond) trong các chuỗi nguyên tử carbon. Các liên kết đôi này đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra các liên kết ngang nói trên. Oxy bị hấp thụ càng nhiều dầu khô càng nhanh và màng film càng dai. Oleic acid có 1, linoleic acid có 2, còn linolenic acid có 3 liên kết đôi. Vì thế dầu tạo màng nào chứa nhiều linolenic acid nhất là dầu khô nhanh nhất và có màng film dai nhất. Quá trình khô của dầu tạo màng kéo dài nhiều năm, ngay cả sau khi màng film tưởng chừng như đã khô sau vài ngày tới một tuần. Dầu tạo màng tăng khối lượng khi hấp thụ oxy (có thể tới 40% đối với dầu lanh) và sau đó khối lượng giảm xuống khi dầu khô cứng lại.
Độ không bão hòa của acid béo được đo bằng số iodine, tức lượng iodine (tính bằng gram) mà 100 gram dầu có thể hấp thụ. Số iodine càng lớn thì số liên kết đôi trong acid béo càng nhiều, tức dầu khô càng nhanh. Quá trình khô của màu sơn dầu là quá trình không thuận nghịch, tức khi sơn dầu đã khô, tính chất vật lý và hoá học của nó thay đổi vĩnh viễn. Vì thế chỉ nên dùng màu sơn dầu mới được bóp từ tube ra, còn tươi mềm từ trong ra ngoài. Màu đã bắt đầu khô (như màu dính trên palette sau một ngày) là màu mà dầu tạo màng của nó đã bị cao phân tử hóa, độ kết dính đã giảm đi nhiều, không nên dùng để vẽ vì sẽ rất dễ bong nứt theo thời gian [4].
Dầu tạo màng dùng trong sơn dầu gồm
– Dầu lanh (tiếng Anh: linseed oil, tiếng Pháp: huile de lin)
– Dầu gai (hemp oil, huile de chanvre)
– Dầu thuốc phiện (poppy oil, huile d’œillette)
– Dầu hạt óc chó (walnut oil, huile de noix)
– Dầu rum (safflower oil, huile de carthame)
– Dầu hướng dương (sunflower oil, huile de tournesol)
Trong số các loại dầu tạo màng được dùng trong sơn dầu kể trên, dầu lanh có hàm lượng linolenic acid và số iodine cao nhất (Xem bảng), vì thế dầu lanh khô nhanh nhất và có màng film dai nhất. Dầu hạt óc chó khô cũng khá nhanh và đều, lại ít ngả vàng nên được dùng để nghiền các màu sáng. Dầu hạt thuốc phiện rất trong sáng, và hầu như không ngả vàng, song khô chậm vì chứa quá ít linolenic acid. Màng film của dầu hạt thuốc phiện yếu và giòn nên không nên dùng dầu này để vẽ lót. Dầu rum có tính chất tương tự dầu hạt thuốc phiện nhưng khô nhanh hơn.
Tỉ lệ các acids béo trong một số dầu tạo màng
(so với lượng acid béo tổng cộng)
Linolenic (%) |
Linoleic (%) |
Oleic (%) |
Stearic (%) |
Palmitic(%) |
Số iodine |
|
Dầu lanh |
50 ~ 70 |
12 ~ 24 |
10 ~ 22 |
2.5 |
4 ~ 6 |
170 ~204 |
Dầu gai |
24 ~ 26 |
54 ~ 56 |
11 ~ 13 |
1 ~ 3 |
5 ~ 7 |
140 ~175 |
Dầu thuốc phiện |
0 – 9 |
41 ~ 60 |
13 ~ 37 |
1.4 ~ 10 |
9 ~ 20 |
133.4 |
Dầu hạt óc chó |
1.5 ~ 5 |
60 |
23 |
1 ~ 4 |
3 ~ 6 |
152 |
Dầu rum |
0.1 |
68 ~ 83 |
8 ~ 21 |
2 ~ 3 |
4 ~ 6 |
140 ~150 |
Dầu hướng dương |
< 0.7 |
44 ~ 75 |
14 ~ 35 |
1 ~ 3 |
3 ~ 6 |
125 ~ 140 |
Trong số các dầu bán khô (số idodine khoảng 115 ~ 130) có dầu đỗ tương, dầu hạt cải, dầu hạt bông, dầu vừng, v.v. Còn dầu olive, dầu lạc, dầu thầu dầu, dầu dừa, v.v. là những thứ dầu không khô. Dầu không khô không dùng được trong hội hoạ sơn dầu vì không tạo ra màng film.
Ánh sáng gây ra phản ứng oxy hoá quang học (photooxygenation), có thể tăng tốc độ khô của dầu lanh gấp 900 lần so với quá trình oxy hoá tự động [5]. Quá trình khô do oxy hoá tự động cũng giải phóng một lượng nhỏ các chất bay hơi, gây nên mùi đặc biệt.
Nhiệt độ và độ ẩm ảnh hưởng tới quá trình bay hơi này. Nhiệt độ tăng khiến bay hơi nhanh. Độ ẩm tăng cản trở sự bay hơi.
Các chất xúc tác kim loại như cobalt, sắt, manganese có khả năng tạo ra xà phòng kim loại làm tăng tốc độ phản ứng oxy hoá và tốc độ quá trình cao phân tử hóa (tạo màng polymer), nên được dùng làm siccative (chất làm khô). Đặc biệt cobalt là chất xúc tác rất hiệu quả để tăng tốc độ oxy hoá, trong khi zirconium tăng tốc độ quá trình cao phân tử hoá. Nhưng khi bị dùng quá nhiều (trên 0.5 ~ 1% khối lượng), siccative tạo ra một màng như một lớp da trên mặt sơn dầu, ngăn phần chưa khô bên dưới tiếp xúc với không khí, gây ra nứt vỡ của mặt sơn [6]. Chất xúc tác kim loại còn khiến màu tối đi theo thời gian, vì thế chỉ nên dùng siccative khi vẽ các lớp lót. Tuy nhiên, cách an toàn nhất để sơn dầu khô nhanh là dùng dầu lanh đặc (sun-thickened linseed oil) kết hợp với copal varnish (Xem trong bài).
Dầu lanh
Dầu lanh là dầu khô quan trọng nhất trong toàn bộ lịch sử hội họa sơn dầu. Sơn dầu đã được dùng trong hội hoạ từ t.k. V – VII, song khi đó người ta dùng dầu thuốc phiện và dầu hạt óc chó làm chất kết dính. Đến t.k. XV Jan Van Eyck (1390 – 1441) đã dùng dầu lanh để nghiền các sắc tố, tạo nên một cuộc cách mạng về chất liệu trong kỹ thuật sơn dầu. Từ sau Van Eyck dầu lanh đã trở thành thứ dầu khô không thể thiếu khi vẽ sơn dầu.
i) Dầu lanh sống (raw linseed oil) được ép thẳng từ hạt lanh ra, vì thế còn được gọi là cold-pressed linseed oil tức dầu lanh ép lạnh, không qua xử lý bằng nhiệt độ hay các phương pháp vật lý hoặc hoá học. Dầu này có nhược điểm là chứa cả tạp chất như sáp, nhựa cây (gum), có màu vàng sẫm hơi đục, lâu khô và ngả vàng nhiều theo thời gian.
Dầu lanh sống là loại dầu tốt nhất để nghiền chất màu thành màu sơn dầu vì các acid béo tự do sẽ giúp bột màu thấm dầu dễ dàng hơn và phân tán đều hơn. Nhưng do giá thành cao nên ngày nay chỉ một số hãng sản xuất hoạ phẩm có tiếng như Old Holland là còn dùng dầu lanh sống để nghiền sơn. Có thể thêm dầu này vào sơn trong khi vẽ để làm sơn dẻo và trơn hơn.
Để loại bỏ tạp chất, giảm ngả vàng và/hoặc tăng tốc độ khô, dầu lanh được xử lý bằng lọc, tẩy và nhiệt độ. Quá trình xử lý còn nhằm giảm thiểu nhược điểm của linolenic acid khiến dầu lanh khô không đồng đều, tức khô từ trên xuống. Dưới đây là các loại dầu lanh đã được xử lý để dùng cho vẽ sơn dầu.
ii) Dầu lanh tinh khiết (purified linseed oil) là dầu lanh sống được lọc bằng phương pháp cổ điển truyền thống: rửa nhiều lần bằng nước sạch (được đánh phèn) và muối, hoặc muối kim loại; đun với nước và cát; lọc bằng ethanol, v.v. để loại các tạp chất, các chất nhầy, sáp và gôm từ nhựa cây (gum). Dầu này có màu vàng nhạt và trong.
iii) Dầu lanh tinh chế (refined linseed oil) là dầu lanh đã được xử lý bằng phương pháp hóa học, dùng dung dịch kiềm (alkaline) trung hòa các acid béo tự do (tức các acid béo không tham gia vào quá trình tạo màng polymer, như stearic acid) thành xà phòng, hòa được trong nước, và được loại ra bằng máy tách (separator). Các tạp chất không phải glyceride như sáp (gum), các ion kim loại, các chất bị oxy hoá, v.v. cũng được loại bỏ.
Dầu lanh tinh chế có ưu điểm là màu sáng, trong và bóng hơn dầu lanh sống, và có giá rẻ. Đó là lý do khiến tất cả các hãng sản xuất hoạ phẩm của Mỹ đều dùng dầu lanh tinh chế để nghiền bột màu sau khi thêm vào một số chất độn để làm tăng độ thấm ướt. Vì các acid béo tự do đã bị loại, dầu lanh tinh chế không dễ bị ôi (khét) như dầu lanh sống. Nhược điểm của dầu lanh tinh chế là cũng ngả vàng theo thời gian như dầu lanh sống. Thậm chí độ ngả vàng trông còn rõ hơn vì dầu này trong và sáng hơn dầu lanh sống. Đây còn là loại dầu lanh lâu khô nhất, chỉ còn kém dầu đọng (Xem ở dưới).
iv) Dầu lanh sáng (clarified linseed oil) được ép từ hạt lanh đã được rang. Đây là loại dầu khô nhanh nhất trong các loại dầu lanh chưa qua xử lý nhiệt. Dầu này có màu sáng hơn dầu lanh tinh khiết và dầu lanh tinh chế, hầu như chỉ hơi vàng.
v) Dầu lanh được tẩy bằng phơi nắng (sun-bleached linseed oil) được lọc qua cát, sau đó được phơi nắng khoảng 2 tuần để tẩy cho bớt màu vàng. Dầu này trong sáng, khô nhanh tương tự như dầu lanh sáng vì quá trình cao phân từ hoá đã bắt đầu nhờ phơi nắng.
vi) Dầu lanh đặc (sun-thickened linseed oil) được chế bằng cách phơi nắng dầu lanh tinh khiết trong đĩa men, thiếc hoặc chì, được che kính để tránh bụi, nhưng được kê có khe hở để dầu tiếp xúc với luồng không khí. Ánh nắng mặt trời chiếu thẳng vào đĩa dầu. Dầu thỉnh thoảng được quấy để tránh tạo màng trên bề mặt. Dầu được phơi lâu nhiều tuần lễ cho tới khi đặc quánh lại như mật ong và có màu như hổ phách. Quá trình này đã oxy hoá và cao phân tử hoá dầu lanh một phần, đồng thời làm sạch các chất bay hơi. Các tạp chất khác cũng đủ thời gian lắng xuống và sau đó được gạn ra. Vì thế dầu lanh đặc khô rất nhanh (trong vòng 1 – 2 ngày nếu vẽ mỏng) và tạo một màng film dai hơn, ngả vàng cũng ít hơn dầu lanh sống. Dầu lanh đặc còn có nhiều ưu điểm như tăng độ dẻo, độ trơn của mầu sơn dầu, cho phép trải rộng diện tích mặt mầu, kéo dài vệt sơn mà không bị đứt đoạn, làm mất vệt bút. Đây là thứ dầu tốt nhất cho vẽ lót, tỉa chi tiết, cũng như vẽ láng, được dùng từ thời Phục Hưng tới nay.
vii) Dầu đọng (stand oil) bắt đầu được chế từ t.k. XIX bằng cách đun dầu lanh tinh khiết vài ngày tại nhiệt độ khoảng 300°C (chưa tới nhiệt độ sôi 349°C) trong nồi đậy kín để tránh tiếp xúc với không khí. Quá trình này cao phân tử hoá dầu lanh. Dầu lanh đọng đặc quánh, màu vàng sẫm, có tính chất tương tự như dầu lanh đặc, nên có thể dùng thay dầu lanh đặc, nhưng hầu như không ngả vàng theo thời gian. Dầu lanh đọng thường được dùng để làm nhẵn vệt bút, tỉa chi tiết, vẽ láng. Song dầu đọng là loại dầu lanh khô lâu nhất, vì thế tránh dùng khi vẽ các lớp dưới.
viii) Dầu lanh đun (boiled linseed oil) là dầu lanh được đun tương tự như dầu đọng, nhưng có tiếp xúc với không khí khiến dầu bị cao phân tử hoá và ôxy hóa một phần. Ngày nay người ta thêm các siccatives chứa chì, manganese, hoặc cobalt trong quá trình đun. Thậm chí dầu lanh đun của một số hãng sản xuất hoạ phẩm thực chất chỉ là dầu lanh sống pha với dầu mỏ tinh chế và chất làm khô. Vì ngả vàng và tối màu theo thời gian, dầu này chỉ có thể được dùng trong sơn lót nền.
ix) Dầu đen (Black oil) là dầu lanh được pha với litharge tức quặng oxide chì (PbO), rồi được đun tới 220°C. Vì chứa oxide chì nên dầu này có màu đen và khô rất nhanh (qua đêm). Tuy dầu đen làm màu tối đi, nhưng màu rất bền, hầu như không đổi theo thời gian. Chú ý: Không nên tự chế dầu đen nếu không phải là chuyên gia vì rất nguy hiểm (có thể bị bỏng vì dầu nóng) và độc hại (có thể bị nhiễm độc chì).
x) Dầu lanh khô nhanh (Drying linseed oil) là dầu lanh có pha thêm siccative, có mầu nâu nhạt, khô nhanh nhất trong tất cả các loại dầu lanh. Nếu cần khô rất nhanh, thì dùng dầu này an toàn hơn là tự mình nhỏ siccative vào dầu lanh. Nói chung, nên tránh dùng siccative, đặc biệt là loại có chứa cobalt hay manganese, vì chúng khiến dầu lanh khô nhanh từ trên xuống dưới, từ ngoài vào trong, dẫn đến bề mặt có thể cứng lại thành màng nhưng bên dưới vẫn mềm, gây nứt vỡ. Nếu bắt buộc phải dùng siccative thì cũng không nên dùng quá 1 – 5%, vì khi vượt ngưỡng này, siccative có thể làm mặt sơn dính, nứt, nhăn nheo, ngả vàng.
Tính chất một số loại dầu lanh
Lanh khô nhanh
|
Lanh đặc |
Lanh được tẩy |
Lanh sống |
Lanh tinh khiết |
Dầu đọng |
|
Tốc độ khô (1: nhanh nhất) |
1 |
2 |
3 |
5 |
6 |
7 |
Trơn hơn |
+ |
+ |
+ |
+ |
||
Dẻo hơn |
++ |
+ |
+ |
++ |
++ |
+ |
Bóng hơn |
+ |
+ |
+ |
+ |
+ |
+ |
Trong hơn |
+ |
+ |
+ |
+ |
+ |
+ |
Màng film dai hơn |
+ |
+ |
||||
Ngả vàng ít |
+ |
++ |
Chú ý: Không nên bảo quản dầu lanh trong tối vì dầu lanh sẽ ngả màu sẫm.
2) Nhựa
i) Nhựa dammar (damar)được chiết từ cây shorea hoặc hopea thuộc họ cây dầu (Dipterocarpaceae) mọc ở Đông Nam Á. Nhựa dammar được nhà bào chế F. Lucanus dùng lần đầu tiên trong hội hoạ vào năm 1828 [7]. Vì thế nếu bạn đọc được ở đâu đó là Cennino Cennini (1370 – 1440) hay Peter Paul Rubens (1577 – 1640) từng dùng nhựa dammar trong dung dịch pha màu (medium) thì đừng tin vào mắt mình.
Nhựa dammar mềm, trong, màu vàng nhạt. Dammar varnish hay vec-ni Dammar (nhựa dammar hòa trong dầu thông) khô nhanh trong điều kiện độ ẩm và nhiệt độ bình thường (40 – 60%, 15 – 23°C).
Nhược điểm lớn nhất của dammar là hút ẩm mạnh khiến màu đục đi theo thời gian nếu được pha bằng medium có chứa quá nhiều dammar. Dammar varnish ngả vàng mạnh theo thời gian, vì thế không nên dùng quá 10% nhựa dammar hoặc 25 – 30% dammar varnish trong dung dịch pha màu. Vì nhựa dammar chỉ có thể hòa tan bằng dung môi dầu thông (turpentine), một số nhà phục chế khuyên nên tránh dùng dammar varnish làm varnish bảo vệ tranh vì khi lớp bảo vệ ngả vàng, chỉ có thể gỡ bỏ nó bằng turpentine, có nguy cơ ảnh hưởng tới các lớp sơn ở dưới nếu được vẽ với dung dịch chứa dammar [8].
ii) Nhựa mastic là nhựa cây nhũ hương hay nhựa nhai (pistaccio tree, pistacia lentiscus), cũng thuộc loại nhựa mềm và chỉ tan trong dầu thông như dammar. Mastic được dùng từ trong sơn dầu từ t.k. XI. Để có thể được dùng làm varnish, mastic phải có tuổi ít nhất 6 tháng tới 1 năm. Đó là khoảng thời gian tối thiểu để các oleanolic aldehydes không bền vững bị oxy hoá và các chất cao phân tử sinh thêm trong varnish.
Mastic varnish thượng hạng được chiết từ cây pistacio mọc tại đảo Chios (Hy Lạp), thành giọt như giọt nước mắt nên còn có tên là vernice mastice Chios in lacrime (mastic varnish xứ Chios hình những giọt nước mắt).
Mastic varnish mềm và trong sáng hơn dammar, nhưng màng film giòn và có xu hướng đục, ngả vàng hay nâu theo thời gian, và vẫn bị hòa tan kể cả sau khi đã khô nhiều năm. Vì thế ngày nay nhựa mastic ít được dùng làm dung dịch pha màu sơn dầu.
iii) Nhựa sandarac tương tự như nhựa mastic, hòa tan trong rượu cồn, acetone, và một phần trong dầu thông hoặc tinh dẩu oải hương. Nhựa này rất rắn, giòn và ngả vàng còn mạnh hơn nhựa mastic.
iv) Nhựa copal là một loại nhựa cây đã khô cứng vài trăm tới vài chục ngàn năm, được gọi là bán hoá thạch, tức chưa đủ lâu để thành hổ phách hoá thạch [9].
Copal varnish rất rắn, chỉ còn thua hổ phách. Sau khi khô, copal chỉ có thể bị hòa tan bằng nung nóng, bằng ammonia, acetone, hoặc tinh dầu oải hương. Ngoài ra copal còn tối đi theo thời gian. Vì vậy các nhà phục chế tại London National Gallery đã khuyến cáo không nên dùng copal varnish làm varnish bảo vệ [7]. Tuy nhiên tính chất này lại trở thành ưu điểm khi copal được dùng trong medium để vẽ bởi sau đó nếu phủ lớp varnish bảo vệ chứa dammar thì khi cần tẩy lớp varnish bằng turpentine, lớp màu sơn dầu chứa copal sẽ không bị turpentine làm hư hại. Dung dịch chứa copal và dầu đọng được gọi là dầu copal (copal oil). Thêm dầu copal vào dung dịch pha mầu sẽ khiến màu sơn dầu trơn, bóng như men, mặt tranh nhẵn, khô nhanh, dai và không nhăn nheo sau khi khô.
Chú ý: Để tránh nứt và tối màu, không nên dùng nhiều dầu copal.
Ngày nay nhiều hãng sản xuất hoạ phẩm chế tạo ra các chất tổng hợp mới, có hiệu quả tương tự copal, như các chất dùng liquin của hãng Winsor & Newton.
v) Nhựa hổ phách (amber) “xịn” – tức nhựa thông hóa thạch hàng chục triệu năm – rất đắt. Vì thế, tuy được coi là thứ nhựa tốt nhất cho hội họa, varnish hổ phách lưu hành trên thị trường hiện nay phần lớn là copal varnish với số năm bán hoá thạch khó xác định.
vi) Nhựa shellac (cánh kiến) được chế từ nhựa do bọ cánh kiến (laccifer lacca) ở Nam Á tiết ra. Nhựa này hòa tan trong rượu cồn, có màu từ nâu đỏ tới gần như không màu (loại thượng hạng), nhưng ngả vàng và nứt theo thời gian.
vii) Nhựa thông Venice (Venice turpentine hay Venetian turpentine) được chế từ nhựa thơm (balsam) chiết từ lõi cây larch Âu châu (tức thông rụng lá, từ chữ Hán – Việt “lạc diệp tùng” 落葉松), có tên khoa học là larix decidua, mọc ở vùng núi Alps và Carpathian. Balsam thuộc loại nhựa mềm (oleoresin) chứa các acid thơm benzoic acid (C7H6O2 hay C6H5COOH) hoặc cinnamic acid (có trong dầu quế). Không nên nhầm Venice turpentine(nhựa) với dầu thông (turpentine)(dung môi). Balsam từ thông larix decidua mọc tại Tyrol thuộc nước Áo được coi là balsam tốt nhất để chế Venice turpentine. Nhựa thơm này, được pha với dầu thông, thường được bán tại Venice vào t.k. XIV – XV vì thế mà thành tên.
Venice turpentine nguyên chất có màu vàng nhạt, tựa như dầu lanh tinh khiết, nhưng đặc sánh hơn. Chiết xuất của Venice turpentine cao, n = 1.53, tương đương chiết xuất thủy tinh quang học (crown glass, n = 1.52 ), vì thế chỉ cần hòa một chút Venice turpentine vào medium là đủ tạo được màng film bóng đều như men sứ, tăng độ bão hòa của sắc tố, và sau khi khô (2 – 3 ngày) không bị dính tay như dammar.
Venice turpentine pha với dầu lanh là dung dịch pha màu mà các bậc thầy Phục Hưng và Baroque từng dùng. Một nghiên cứu mới đây [10] đã phát hiện ra Venice turpentine và dầu lanh trong bức tranh “Đức Mẹ cùng Chúa Hài Đồng và các thiên thần” (1470 – 1475) của Antonello da Messina (1429 – 1479) – người được coi là đã có công lớn trong việc truyền bá kỹ thuật sơn dầu của Van Eyck vào nước Ý. Théodore De Meyerne (1573 – 1655) – bác sĩ của vua Henri IV (Pháp) và vua James I (Anh) – cũng ghi lại rằng danh hoạ Van Dyck (1599 – 1641) – học trò xuất sắc nhất của Rubens – từng thảo luận về Venice turpentine với ông [11].
Một số hãng hoạ phẩm như Kremers pha thêm rosin (colophony hay colophane) [12] và/hoặc vài thứ khác vào Venice turpentine để tăng độ cứng của màng film khi khô, tăng tốc độ khô và/hoặc giảm giá thành. Rosin là sản phẩm thu được sau khi chưng cất nhựa (resin) chiết từ vỏ các cây họ thông để tách turpentine. Nhựa sống của thông chứa khoảng 70% rosin, 15% turpentine, và 15% tạp chất lẫn nước [13]. Rosin chứa tới 90% acid nhựa cây (resin acid), trong đó có khoảng 30 – 40% abietic acid (C20H30O2), khi khô tạo màng cứng, giòn, dễ nứt vỡ, dễ nóng chảy (tại 70 – 80°C), dễ lão hoá vì bị oxy hóa. Trong khi đó Venetian turpentine từ nhựa cây larch Âu châu chứa rất ít abietic acid. (Mạt cưa của gỗ larch châu Âu chỉ chứa 0.001 – 0.005% abietic acid [14].)
Không nên nhầm Venice turpentine dùng trong hội họa với sản phẩm có tên y hệt – nhưng dùng để sơn móng ngựa, giá khoảng 10 – 11 USD một hộp khoảng nửa lít, tức rẻ hơn khoảng 8 – 9 lần. Venice turpentine loại này chỉ đơn thuần là rosin pha trong turpentine, không dùng được cho hội họa vì chất lượng kém.
Một số hoạ sĩ thay Venice tupentine bằng nhựa thơm Canada (Canada balsam hay Canadian turpentine). Nhựa này được chiết từ cây linh sam (fir hay abies balsamea) – một loài thông mọc ở Canada và Bắc Mỹ, trong sáng, khô nhanh và bóng hơn Venetian turpentine. Canada balsam chủ yếu được dùng để gắn các thấu kính vì ít ngả vàng khi được dùng dưới dạng một lớp cực mỏng. Song, khi màng film dày như trong sơn dầu thì Canada balsam lại ngả vàng và trở nên đục theo thời gian. Ngoài ra, một số hoạ sĩ cho rằng Canada balsam quá lỏng và khô quá nhanh (sau 1 – 2 giờ) so với Venice turpentine (1 – 2 ngày). Giá thành của Canada balsam (29.8 USD/ 118.3 ml) cũng cao hơn Venice turpentine.
viii) Nhựa thông Strasbourg (Strasbourg turpentine) được chiết từ cây linh sam trắng (abies alba hay abies pectinata) mọc ở châu Âu, có tính chất tương tự như Venice turpentine nhưng màu sáng hơn vì thế được ưa chuộng hơn Venice turpentine vào t.k. XVII.
ix) Nhựa alkyd (viết tắt từ alcohol – tức rượu cồn – và acid) được chế từ những năm 1920, là nhựa tổng hợp polyester có pha thêm các acid béo và một số chất khác. Sơn alkyd chứa khoảng 10 – 30% nhựa alkyd. Phần còn lại là dầu tạo màng và chất màu (pigments). Sơn alkyd khô nhanh hơn sơn dầu (8 tiếng tới 1 ngày) nhưng chậm hơn acrylic.
x) Nhựa acrylic là nhựa polymer chiết từ acrylic acid, một dạng đơn giản nhất của carboxylic acid không bão hòa. Nhựa acrylic hòa được trong nước. Khi khô các sợi polymer không liên kết ngang như trong qua trình dầu lanh bị oxy hoá trong sơn dầu, mà hòa vào nhau, tạo nên một màng film dẻo, không bị nước hòa tan, ít co giãn vì độ ẩm và nhiệt độ, khả năng chịu lực kéo tốt, và đặc biệt không bị vi khuẩn làm mốc và ô nhiễm khí quyển làm thoái hoá. Nhựa acrylic được dùng làm chất kết dính trong màu acrylic.
Acrylic varnish dùng để bảo vệ tranh (như vernis à tableaux sur fin, vernis satiné, vernis à tableaux J.G. Vibert của Lefranc & Bourgeois) có ưu điểm hơn damar varnish là không ngả vàng và không nứt vỡ theo thời gian. Nhựa acrylic cũng được dùng để pha dung dịch vẽ sơn dầu, ví dụ medium à peindre J.G. Vibert của Lefranc & Bourgeois. Dung dịch này chứa nhựa ketone và nhựa acrylic hòa trong dầu hạt thuốc phiện và dầu mỏ tinh chế (petroleum), trong suốt, hầu như không ngả vàng và tạo một bề mặt bóng như satin.
3) Dung môi
Dung môi cho hoạ sĩ phải tinh khiết, tức trong vắt như nước, có khả năng bay hơi hoàn toàn, không để lại chất dư nào sau khi bay hơi hết. Cách kiểm tra độ tinh khiết của dung môi là nhỏ một giọt lên tờ giấy trắng. Sau khi dung môi bay hơi hết, tờ giấy phải trắng tinh như trước khi bị dung môi nhỏ lên, tức không có vết ố nào trên tờ giấy.
i) Dầu thông (turpentine hay spirit of turpentine, essence de térébenthine), chủ yếu gồm các monoterpenes C10H16, được tách bằng cách chưng cất nhựa của một số cây như therebinth (pistacia therebinthus), các cây họ thông, như thông biển (pinus pinaster hay maritime pine), thông Aleppo (pinus halepensis) mọc ở vùng Địa Trung Hải, thông đuôi ngựa (pinus massoniana) mọc ở Trung quốc và miền bắc Việt Nam, thông Sumatra (pinus merkusii) mọc ở Thái Lan, Indonesia và Philippines, thông Elliotta (pinus elliottii) mọc ở Mỹ, Brazil, Nam Phi, Zimbabwe, và Kenya, thông lá dài (pinus palustris, hay longleaf pine), thông cành nhỏ (pinus taeda, hay loblolly pine) mọc ở miền đông nam Hoa Kỳ, thông vàng (ponderosa pine) mọc ở miền tây của Bắc Mỹ, thông rụng lá châu Âu (European larch tree, larix decidua), cây linh sam Canada (fir, abies balsamea), v.v.
Dầu thông tinh khiết nhất là distilled turpentine hay rectified turpentine (dầu thông tinh cất).